Ngày 19/8/2021 Báo Giáo dục và Thời đại đưa tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông (ngày 20/7/2021). Theo đó, kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 1 trong 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
Vấn đề chạy theo chỉ tiêu thành tích cao ngất là một căn bệnh trầm kha đã diễn ra rất nhiều năm nay trong ngành giáo dục, nó gây bức xúc cho dư luận trong đó có việc nâng điểm, sửa điểm, báo cáo láo, khen thưởng tràn lan, một lớp 100% học sinh giỏi, diễn ra khá nhiều.
Học sinh cá biệt thời nào cũng có, nhưng học sinh đánh thầy cô dạy mình thì tôi được biết chỉ xảy ra trong một vài năm gần đây.
Điều đó cho thấy đạo đức của một bộ phận người học xuống cấp một cách nghiêm trọng, nếu không có giải pháp cụ thể, quyết liệt thì những vấn đề này sẽ vẫn tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới, bạo lực lên ngôi, đạo đức xuống cấp, nghề giáo sẽ càng là nghề nguy hiểm.
Một trong những giải pháp chống bạo lực học đường, bạo hành giáo viên, bệnh thành tích trong giáo dục, hạn chế học sinh bỏ học, chính là việc thay đổi cách đánh giá, xếp loại như hiện nay mà phải chuyển dần sang đánh giá theo hướng đánh giá phát huy năng lực, phẩm chất người học, phải lấy phẩm chất làm tiêu chí chính để đánh giá người học.
Trong đó nan giải và lúng túng nhất là giải quyết vấn đề học sinh không học, học kém, cá biệt, vẫn được lên lớp, nên không những không cố gắng mà kéo theo các học sinh không học theo, dẫn đến học sinh cá biệt ngày càng nhiều.
Đã có nhiều bài viết đề nghị bỏ chỉ tiêu, cho giáo viên đánh giá thật, học sinh đạt cho lên lớp, học kém cho ở lại học sinh sợ sẽ cố gắng học, như vậy sẽ hết việc học sinh cá biệt, học sinh sẽ sợ giáo viên.
Tuy nhiên, theo người viết điều chúng ta cần làm là làm sao đánh giá phù hợp, mọi học sinh đều được học, được lên lớp và quan trọng là vẫn cố gắng học tập mới là mục đích tối thượng, cao cả của giáo dục.
Trong phạm vi bài viết, người viết xin được làm rõ các nội dung trên và đề xuất các cách giải quyết vấn đề trên.
(Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Cách đánh giá xếp loại học sinh phổ thông trước đây
Trước đây, việc đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông được thực hiện theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, học sinh cuối học kỳ, cuối năm học sẽ được xếp loại Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém. Nếu kết quả cuối năm học học sinh xếp loại Giỏi sẽ được nhận giấy khen, phần thưởng còn học sinh xếp loại Yếu (điểm trung bình các môn dưới 5,0 hoặc có một môn dưới 3,5 hoặc cả 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ đều dưới 5,0) thì phải thi lại nếu đạt sẽ được lên lớp, nếu xếp loại Kém (điểm trung bình dưới 3,5 hoặc có 1 môn bất kỳ dưới 2,0) sẽ phải ở lại lớp hẳn.
Việc đánh giá học sinh theo các loại trên đã lỗi thời không còn phù hợp với việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học theo định hướng giáo dục phổ thông mới.
Nó cản trở sự phát triển của người học, nó cũng là nguyên nhân góp phần làm căn bệnh thành tích, giả dối trong giáo dục nhiều hơn, nó kéo theo dạy thêm học thêm tràn lan hơn và tạo ra áp lực thành tích nặng nề hơn, kéo theo đó bạo lực học đường nhiều hơn.
Bên cạnh đó, việc xếp loại học sinh giỏi phải có một trong 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ từ 8,0 trở lên, hay học sinh Yếu có 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ dưới 5,0 đã khiến cho việc coi trọng, xem 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ là môn chính, các môn còn lại là môn phụ, làm cho việc học sinh dễ định hướng sai, dẫn đến coi thường các môn học quan trọng khác như Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, trong khi đó mỗi môn đều có tầm quan trọng nhất định, học sinh có năng lực cụ thể các môn đều có cơ hội nghề nghiệp ngang nhau.
Bên cạnh đó học sinh còn được xếp loại hạnh kiểm theo các mức Tốt, Khá, Trung bình, Yếu. Học sinh xếp hạnh kiểm yếu thì sẽ được rèn luyện thêm trong hè để được lên lớp.
Do chạy theo chỉ tiêu thành tích nên hầu như học sinh đạt loại giỏi, khá rất nhiều, thực tế thì có rất nhiều học sinh giỏi không xứng đáng, giỏi do theo chỉ tiêu, nên việc đánh giá hiện nay theo người viết còn hình thức, chưa thực chất.
Còn việc đánh giá hạnh kiểm thì hình thức, cả nước tìm đỏ mắt cũng không được 1% học sinh có hạnh kiểm trung bình, yếu trong khi học sinh chưa ngoan, cá biệt rất nhiều.
Chính việc đánh giá hạnh kiểm trên đã khiến cho học sinh ngày càng coi thường nhà trường, coi thường giáo viên, nên bạo lực học đường thường xuyên hơn, trong đó có cả vụ học sinh hành hung, bạo hành giáo viên trong thời gian gần đây.
Do đó, chắc chắn phải sửa đổi, thay thế cách đánh giá, xếp loại học sinh để làm sao mọi học sinh đều cố gắng học, hạn chế tối đa học sinh cá biệt.
Phát huy tinh thần đánh giá theo năng lực và phẩm chất người học là vô cùng cần thiết, cấp bách.
Đánh giá học sinh theo năng lực và phẩm chất như thế nào?
Hiện nay đánh giá học sinh theo kiến thức (học lực) và hạnh kiểm đã quá lỗi thời không còn phù hợp.
Việc dạy học theo năng lực và phẩm chất là bước tiến lớn của giáo dục. Cụ thể khi dạy học xong chương trình phổ thông học sinh đạt được một số năng lực và phẩm chất sau:
10 năng lực được hướng tới là 03 năng lực chung: năng lực tự chủ, tự học; năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. 07 năng lực chuyên môn: năng lực tìm hiểu tự nhiên xã hội, năng lực công nghệ, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất, năng lực tin học, năng lực tính toán và năng lực ngôn ngữ.
5 phẩm chất: yêu nước, nhân ái, trung thực, trách nhiệm, chăm chỉ.
Có thể hiểu trước đây phải đạt được kiến thức thì nay đã chuyển dần sang kiểu tiếp cận mới năng lực trong khi mỗi con người đều có năng lực tiềm ẩn, mỗi con người có thể có năng lực này mà có thể không cần có năng lực khác.
Ví dụ một học sinh chỉ cần đạt một vài năng lực trong 10 năng lực trên cũng được gọi là có năng lực.
Do đó, không nhất thiết học sinh phải đạt năng lực tốt cả 10 năng lực mới được xếp loại giỏi mà chỉ cần đạt năng lực cụ thể của từng phần, năng lực chuyên biệt, hay học sinh chưa đạt năng lực các môn thì không cần phải thi lại, hay ở lại.
Còn việc đánh giá theo phẩm chất sẽ phải chú trọng hơn, nếu không đạt sẽ phải được rèn luyện lại, nếu không cố gắng hoàn thiện có thể phải cho học sinh lưu ban (ở lại lớp)
Đó chính là mục tiêu cao cả của việc dạy học theo năng lực và phẩm chất người học.
Một học sinh học trung bình khá, chỉ cần một môn có điểm trung bình dưới 2,0 phải ở lại lớp là điều sai lầm trong đánh giá học sinh, nên loại bỏ.
Hoan nghênh Bộ đã bỏ quy định xếp loại giỏi, khá, và hạn chế tối đa học sinh ở lại lớp
Đánh giá theo Thông tư 26 nếu không nghiêm, sẽ lạm phát học sinh giỏi
Như đã trình bày ở phần trên quan điểm của một số người là nên cho học sinh ở lại lớp nhiều, học sinh sẽ cố gắng học tập, học sinh sợ giáo viên mà cố gắng học tập, sẽ không có học sinh cá biệt.
Theo người viết, quan điểm trên cũng chưa hẳn đúng, vì nếu làm môn nào cũng khó, thì khi đó sẽ có rất nhiều học sinh ở lại, thậm chí có lớp 50% học sinh ở lại, mà học sinh ở lại nhiều sẽ có rất nhiều em bỏ học trái quan điểm của nhà nước về học tập, mọi trẻ em trong độ tuổi đi học nên được đến trường, nếu các em bỏ học sẽ là gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Bên cạnh đó sẽ có một số giáo viên lợi dụng cho điểm rất khó để lôi kéo học thêm thu tiền, trù dập học sinh, nên điều này phải được xem xét thấu đáo, cẩn trọng.
Việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học sẽ không nên đánh giá xếp loại học sinh giỏi, khá hay xếp loại yếu, kém làm bất công, làm cho các em mặc cảm, hay việc các em vì còn hạn chế 1 số môn mà phải bị ở lại rất bất cập.
Ví dụ một học sinh học tốt tất cả các môn nhưng do môn năng khiếu như Âm nhạc, Mĩ thuật hạn chế mà phải ở lại là điều không nên.
Hay như một học sinh học khá, tốt các môn nhưng có 1 môn, thí dụ như Lịch sử hoặc Địa lý học yếu phải ở lại cũng là điều không nên.
Ai cũng kêu gọi bỏ thành tích, dạy thật, học thật nên giáo viên đều cho rằng môn của mình quan trọng, nên một học sinh vì hạn chế kiến thức, năng lực chưa theo kịp kiến thức của môn mình mà thẳng tay cho học sinh ở lại lớp, làm cho các em phải bị chậm lại 1, 2 năm học, chậm sự phát triển so với bạn bè cùng trang lứa.
Bên cạnh đó, học sinh ở lại lớp là nguyên nhân hàng đầu học sinh bỏ học hiện nay, làm khó khăn cho nhà nước, nhân dân trong việc thực hiện mục tiêu phổ cập, mọi người đều được đi học như Bác Hồ mong muốn.
Cũng chính vì danh hiệu học sinh giỏi, hay học sinh phải ở lại, thi lại mà nhiều giáo viên sẵn sàng dùng chiêu trò o ép học sinh đến lớp học thêm để thu tiền bất chấp như hiện nay.
Bỏ đánh giá, xếp loại học sinh như các thông tư cũ sẽ tránh bất công, đánh giá đúng năng lực người học, cũng là cách giúp hạn chế bỏ học do mặc cảm.
Bỏ đánh giá xếp loại chung cho các môn, thì học sinh đến trường được học các môn, mỗi môn được đánh giá, nhận xét cụ thể về năng lực cần đạt, được ghi rõ ưu điểm, hạn chế để tiến bộ hơn.
Có nhiều học sinh vì yếu 1, 2 môn phải ở lại, đôi khi bỏ học trong khi học giỏi các môn khác là chúng ta đi ngược lại mục tiêu giáo dục, mất đi nguồn nhân lực cho đất nước.
Như vậy, có nghĩa là bỏ hẳn kiểu đánh giá xếp loại giỏi, khá, yếu, kém như các thông tư cũ. Học sinh học môn nào sẽ được nhận xét về phẩm chất và năng lực cần đạt của môn đó, mà không có cộng các môn lại để đánh giá giỏi hay yếu, kém.
Bỏ xếp loại giỏi, yếu, kém tức là học sinh sẽ không còn học sinh thi lại, ở lại lớp, các em sẽ biết mình đạt năng lực môn nào, chưa đạt môn nào? Sẽ không còn lạm phát danh hiệu học sinh giỏi, cũng sẽ không còn học sinh bị o ép học thêm vì loại giỏi hay vì sợ phải thi lại, ở lại nếu không học thêm.
Hình thức học theo tín chỉ cũng có thể nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng từ bậc trung học cơ sở có thể mang lại hiệu quả tích cực.
Do đó, theo quan điểm người viết những thay đổi cách đánh giá học sinh trong thông tư mới theo hướng mở cho học sinh có cơ hội được đi học, nhưng nên mạnh dạn đánh giá về phẩm chất, kết hợp với việc tạo cơ hội nghề nghiệp tốt, giúp học sinh trải nghiệm tốt, định hướng, tìm hiểu nghề nghiệp từ bậc trung học cơ sở bên cạnh đó giáo viên cũng không cần phải chạy theo chỉ tiêu, bệnh ngụy thành tích như hiện nay.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.